Vàng, Dầu và Dollar có mối quan hệ như thế nào?

16-04-2021 08:01:31 AM

Mối quan hệ giữa Vàng, Dầu và Dollar

Giá Vàng, Dầu và Dollar Mỹ (USD) có mối quan hệ với nhau như thế nào? Chúng luôn có sự biến động theo từng ngày, từng giờ và đều là những mặt hàng có vai trò quan trọng, có tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Hãy cùng tìm hiểu rõ mối quan hệ giữa 3 mặt hàng này trong bài viết dưới đây.

Mối quan hệ giữa vàng, dầu và dollar
Giá DẦU và giá VÀNG có xu hướng biến động cùng chiều

Dầu là đầu vào quan trọng cho sản xuất, khi giá dầu thay đổi, toàn bộ nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới sự ổn định của nhiều quốc gia. Điều này giải thích vì sao Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ bao gồm cả các nền kinh tế tuy không lớn, nhưng lại có tiếng nói rất lớn trên các diễn đàn thế giới.

Do dầu có vai trò rất quan trọng nên nhiều quốc gia, nhiều tổ chức đầu cơ vào dầu thông qua hợp đồng tương lai và quyền chọn. Khi kinh tế phát triển không ổn định, nhà đầu tư tăng cường đầu tư vào dầu và vàng để bảo vệ tài sản của mình. Trên phương diện đầu cơ này, có thể nói, dầu và vàng là hai loại hàng hoá bổ sung cho nhau, giá cả của chúng có xu hướng biến động cùng chiều.

Tuy nhiên, khác với vàng, vai trò của dầu với tư cách là hàng hoá cũng rất lớn, lớn hơn cả vai trò là hàng hoá để đầu cơ. Trong tình hình suy thoái hiện nay, nhu cầu về dầu với tư cách là một hàng hóa nhiên liệu bị giảm sút quá mạnh do hoạt động sản xuất – kinh doanh bị thu hẹp. Trong khi đó, các nước sản xuất dầu vẫn phải sản xuất, vì họ phụ thuộc nặng vào nguồn thu từ dầu và quy trình sản xuất dầu khá phức tạp, không thể dừng lại trong một sớm một chiều. Điều này làm cho giá dầu giảm.

Khi kinh tế phát triển bình thường thì giá dầu và vàng có xu hướng biến động cùng chiều. Nhưng khi kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng dẫn tới nhu cầu về dầu với tư cách đầu vào cho sản xuất bị giảm sút quá mạnh, thì giá dầu có thể thoát ly khỏi giá vàng.

Giá VÀNG nghịch chiều với USD

Một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng mạnh tới giá vàng là đồng dollar Mỹ. USD được coi là đồng tiền quan trọng bậc nhất trong giao dịch quốc tế cùng với các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ như đồng EUR (Euro), GBP (Bảng Anh), JPY (Yên Nhật),… Trong đó, chính sách tiền tệ và động thái điều chỉnh lãi suất của các Ngân hàng Trung ương (Như FED – Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) sẽ tác động trực tiếp lên giá trị đồng USD, tỷ giá ngoại tệ.

Vàng được giao dịch tham chiếu với USD, do đó những thay đổi của FOMC (cơ quan trực thuộc FED) về chính sách tiền tệ cũng như thay đổi lãi suất sẽ có ảnh hưởng nhất định đến giá vàng – thị trường vàng.

Vàng và USD là mối tương quan nghịch chiều bởi bắt nguồn từ thực tế: Vàng được coi là công cụ hữu hiệu để phòng chống lạm phát nhờ vào giá trị “ổn định”, tăng dự trữ vàng. USD thể hiện vị thế thông qua mức lãi suất được neo theo tỷ giá USD, khi giá trị trao đổi giảm đi, bạn phải mất nhiều USD hơn để mua được vàng, nên giá trị vàng được tăng lên. Và ngược lại khi giá trị USD tăng, cần ít USD hơn để mua vàng, dẫn đến giá trị vàng tính bằng USD giảm xuống.

Vàng và USD có mối quan hệ ngược chiều nhau nhưng không phải tuyệt đối, vì còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới giá vàng. Thứ nhất, vàng là “tiền tệ” với vai trò dự trữ của các Ngân hàng trung ương. Thứ hai, Giá trị đồng USD chỉ là một trong nhiều yếu tố tác động giá vàng và thực tế sự thay đổi của các yếu tố còn lại như: bất ổn chính trị, giá dầu, thị trường chứng khoán… có thể làm thay đổi mối tương quan ngược chiều này.

Giá DẦU ngược chiều với đồng DOLLAR

Trong lịch sử, giá dầu có tương quan nghịch với giá của đồng Dollar Mỹ. Giải thích cho điều này, có 2 nguyên nhân sau:

Thứ nhất, giá dầu luôn được tính bằng đồng dollar Mỹ trên toàn thế giới. Khi đồng dollar Mỹ mạnh lên, sẽ chỉ cần trả ít dollar hơn cho một thùng dầu và ngược lại.

Thứ hai, trong suốt lịch sử nhập khẩu dầu của Hoa Kỳ. Giá dầu tăng khiến thâm hụt cán cân thương mại của Hoa Kỳ cũng tăng lên vì cần trả nhiều dollar hơn cho mỗi thùng dầu. Tuy nhiên, nhờ vào sự thành công của các công nghệ khoan và khai thác dầu mỏ, đặc biệt là công nghệ khai thác fracking (công nghệ nứt vỡ thủy lực) đã làm tăng đáng kể năng lực sản xuất của Hoa Kỳ. Biến đất nước này trở thành đất nước xuất khẩu ròng dầu mỏ tinh chế, đồng thời là nhà sản xuất dầu thô top đầu Thế giới.

Thực tế lịch sử thể hiện rõ tương quan mối quan hệ giữa ba yếu tố này:

Sau thế chiến năm 1945, Mỹ đứng đầu thế giới về tỷ lệ dự trữ vàng (3/4 trữ lượng vàng của thế giới được dự trữ tại các nhà băng Mỹ).

Trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1971, hầu hết các nước đều bán vàng mua đồng dollar Mỹ để tăng dự trữ ngoại tệ, cũng là điều chỉnh cân bằng thương mại giữa các nước. Thời kỳ này, đồng USD mặc nhiên được coi như một đồng tiền chung trong giao dịch thương mại quốc tế. Khi đó, giá vàng dao động quanh ngưỡng 35USD/ounce, giá dầu ở mức 3 USD/ thùng.

Năm 1971, Mỹ ngừng bán vàng ra thị trường thế giới. Để đáp lại, các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) buộc phải bán lượng USD đang dự trữ đề mua vàng trên thị trường thế giới. Hệ quả là đã đẩy giá dầu tăng lên gấp chục lần lên mức 40USD/thùng và vàng là 850 USD/ounce. Đây được đánh giá là một cú sốc lớn đối với nền tài chính thế giới, là hệ quả của việc gỡ bỏ hệ thống bản vị vàng ra khỏi đồng USD trong tháng 8/1971 của tổng thống Mỹ Richard M Nixon.

Nguồn: Tổng hợp

Tham khảo thông tin TMĐT tại: RAO NHANH VIET NAM

Tin khác