Bộ tranh do Càn Long hạ lệnh các họa sĩ cung đình thực hiện, khắc họa cảnh đẹp ở cung cấm trong bốn mùa. Bức tranh tái hiện khung cảnh Tử Cấm Thành tháng giêng, do Đinh Quan Bằng vẽ. Trong cung, người hầu treo đèn lồng để mừng năm mới. Chủ thể chính là cung Kiến Phúc, hai lầu, ở phía Tây của Tử Cấm Thành. Bên ngoài Tử Cấm Thành, người người đi dạo, chơi xuân. Càn Long đề bài thơ về mùa xuân lên bức tranh. Cung Kiến Phúc hiện không còn, do năm 1752, Càn Long hạ lệnh dỡ bỏ. Theo The Paper, bảo tàng Cố Cung ở Đài Loan lưu giữ bộ tranh "Thập nhị nguyệt cấm ngự đồ" về khung cảnh vườn tược hoàng cung, gồm 12 bức kích thước giống nhau, cao 179 cm, ngang 108 cm. Tác giả là các họa sĩ cung đình thời Thanh, Trung Quốc, gồm Đinh Quan Bằng, Dư Tỉnh, Chu Côn, Thẩm Nguyên. Tất cả tranh được hoàn thành năm 1748. Tháng 2 trong tranh của Chu Côn. Tác phẩm tái hiện hồ nước, cảnh bên hồ và những mái nhà phía xa. Các cây liễu, mai, bách đan xen trong ngày âm u, nhiều sương. Theo giới nghiên cứu, bức tranh vẽ phía Tây Nam của Tử Cấm Thành. Càn Long đề bài thơ "Nhị nguyệt sóc nhật" (Ngày mùng một tháng hai) lên tác phẩm. Họa sĩ Dư Tỉnh khắc họa cảnh tháng 3, chủ đề núi non trong Viên Minh Viên - nơi nghỉ dưỡng, làm việc của hoàng tộc tại Bắc Kinh. Phía trước những mái đình là vườn hoa mẫu đơn trắng, đỏ nở rộ. Phía sau là núi, cây tùng. 12 tác phẩm đều áp dụng thủ pháp truyền thống trong tranh tả thực thời nhà Thanh, bố cục theo lối nhìn từ trên xuống. Bức tháng 4 được đặt tên "Cung lữ thanh hòa", do Thẩm Nguyên thực hiện. Chủ đề là đồi Ngọc Xuân, nằm ở phía Tây của Di Hòa Viên ở Bắc Kinh. Khu nghỉ dưỡng của vua chúa được bao quanh bởi cả núi và hồ. Di Hòa Viên còn gọi là Cung điện Mùa hè, được xây dựng từ thời nhà Thanh, nổi tiếng vì sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc nhân tạo và non nước tự nhiên. Trên bức "Cung lữ thanh hòa", Càn Long đề bài thơ nói về cảnh sắc đầu hạ. Họa sĩ Đinh Quan Bằng tái hiện cảnh tháng 5, với hồ sen, lau sậy, rặng liễu, con thuyền, các tầng lầu. Vua Càn Long đề thơ nhưng không nhắc tên khu vườn. Theo các nhà nghiên cứu, cảnh trong tranh ở Doanh Đài, Bắc Kinh, nơi vua làm việc, nghỉ dưỡng cùng các phi tần. Bức tháng 6 do Chu Côn vẽ, miêu tả sự tương giao giữa núi và nước, trong Viên Minh Viên. Bên hồ, cây lá xanh tốt. Thuyền lớn, thuyền nhỏ ra giữa hồ. Càn Long đề bài thơ nói về cảnh tượng khi chèo thuyền, vẻ đẹp giữa mùa hạ. Thẩm Nguyên vẽ tranh chủ đề tháng 7 âm lịch, bối cảnh Viên Minh Viên, với các gian nhà nghỉ dưỡng, cầu gỗ, các khóm hoa trong sân. Bài thơ "Thu ý" của Càn Long được đề trên tác phẩm. Đinh Quan Bằng tái hiện cảnh tháng 8 tại hồ Thái Dạ, cũng là một trong nơi làm việc, nghỉ ngơi của vua chúa. Tranh khắc họa cây cầu đá nối hai bên hồ, nhóm người chèo thuyền chở đồ đạc, những ngôi nhà ẩn hiện trong tán cây. Lá sen tháng 8 không còn ùm tùm như trong tranh về đầu hạ. Ở bức về tháng 9 âm lịch, Dư Tỉnh khắc họa mùa thu ở Viên Minh Viên, với dòng nước uốn quanh chân núi, mái đình. Có người ngắm cảnh trên đài cao, người làm việc phía dưới. Tranh về tháng 10 do Chu Côn vẽ, lấy bối cảnh tẩm cung (nơi ngủ của vua và hoàng hậu hoặc phi tần), trong Viên Minh Viên. Đây là tổ hợp cung điện, vườn cảnh ở Bắc Kinh. Năm 1860, liên quân Anh - Pháp phóng hỏa Viên Minh Viên ba ngày ba đêm, khiến phần lớn cảnh quan, kiến trúc và nhiều đồ vật giá trị trong cung điện bị phá hủy. Thẩm Nguyên vẽ cảnh tháng 11, chủ thể là điện Hàm Nguyên trong Doanh Đài - nơi nghỉ ngơi, làm việc của vua, phi tần. Tháng 12 âm lịch hiện ra qua cảnh tuyết rơi trên mái nhà, cây lá, các tảng đá. Họa sĩ Dư Tỉnh khắc họa Ngự Hoa Viên trong Tử Cấm Thành. Kiến trúc này được xây dựng từ thời nhà Minh và liên tục được mở rộng, tu sửa dưới thời Thanh. Cảnh tượng trong tranh gần giống khung cảnh Ngự Hoa Viên ở Tử Cấm Thành ngày nay. Nghinh Xuân-VnEXpress (theo The Paper)