Giải vô địch bóng đá thế giới bắt đầu được tổ chức từ năm 1930, dành cho các đội tuyến bóng đá nam của các quốc gia thuộc Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA). Giải đấu này diễn ra bốn năm một lần, ngoại trừ hai năm 1942 và 1946, khoảng thời gian bị gián đoạn bởi Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong giải vô địch mới nhất được tổ chức tại Nga năm 2018, Pháp đã thắng 4-2 trước Croatia.
Trận chung kết giải vô địch bóng đá thế giới là trận đấu cuối cùng, xác định đội tuyển đăng quang ngôi vô địch. Nếu 90 phút thi đấu chính thức kết thúc bằng một tỷ số hòa, hai đội sẽ thi đấu thêm hai hiệp phụ, mỗi hiệp kéo dài 15 phút. Khi kết quả sau hai hiệp phụ vẫn là một tỷ số hòa, trận đấu được phân định bằng loạt đá luân lưu 11 mét.[1] Trong lịch sử, tất cả các Giải vô địch bóng đá thế giới đều được kết thúc bởi một trận chung kết, ngoại trừ năm 1950. Tại giải đấu này, các đội tuyển Uruguay, Brasil, Thụy Điển và Tây Ban Nha đứng đầu bốn bảng và tiếp tục thi đấu vòng tròn tính điểm. Chiến thắng 2–1 của Uruguay trước Brasil ở lượt trận cuối cùng đã giúp Uruguay giành ngôi vô địch. Liên đoàn Bóng đá Thế giới ghi nhận đây là trận chung kết của Giải vô địch bóng đá thế giới năm 1950.[2]
Sau 21 Giải vô địch bóng đá thế giới được tổ chức, đã có 79 quốc gia từng tham dự vòng chung kết. Trong số này chỉ có 13 quốc gia được tham dự trận chung kết và 8 đội tuyển từng đứng lên bục đăng quang.[n 1] Với 5 lần đoạt cúp, Brasil là đội tuyển giàu thành tích nhất, cũng là đội tuyển chưa từng vắng mặt ở bất cứ vòng chung kết nào. Tiếp sau Brasil là đội tuyển Đức và đội tuyển Ý cùng bốn lần vô địch. Các đội tuyển Argentina và Uruguay và Pháp từng hai lần đoạt cúp, Anh và Tây Ban Nha đều từng một lần lên ngôi vô địch. Đội tuyển Đức vô địch năm 2014 cũng là đội tuyển châu Âu đầu tiên vô địch cúp bóng đá thế giới khi giải đấu tổ chức tại Nam Mỹ.[4] Sau giải đấu năm 2018, các đội tuyển thuộc Liên đoàn bóng đá châu Âu từng 12 lần đăng quang và 28 lần lọt vào trận chung kết. Trong khi đó các đội tuyển thuộc Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ đã 14 lần thi đấu trận chung kết và 9 lần giành cúp vô địch.[5]
Năm 1970 và 1994 (và cả 1986, 1990, 2014) là các trận mà hai đội cùng gặp nhau (Brazil - Ý và Đức - Argentina). Trận chung kết gần nhất Giải vô địch bóng đá thế giới 2018 tại Nga diễn ra tại sân vận động lớn nhất Nga, Sân vận động Luzhniki tại Moscow.[6]
Các trận chung kết (trừ năm 1930, 1966) đều tổ chức vào ngày Chủ Nhật. Những năm ấy tổ chức vào thứ Tư và năm còn lại là thứ bảy.
Đến năm 2014, chỉ có các đội châu Âu, Nam Mỹ lọt vào trận chung kết.
Trận đấu có thi đấu hiệp phụ. | |
Trận đấu phải đá phạt đền. |
Đội tuyển | Số trận | Số lần vô địch | Số lần á quân | Năm vô địch | Năm á quân |
---|---|---|---|---|---|
Brasil | 7 | 5 | 2 | 1958, 1962, 1970, 1994, 2002 | 1950, 1998 |
Đức | 8 | 4 | 4 | 1954, 1974, 1990, 2014 | 1966, 1982, 1986, 2002 |
Ý | 6 | 4 | 2 | 1934, 1938, 1982, 2006 | 1970, 1994 |
Argentina | 5 | 2 | 3 | 1978, 1986 | 1930, 1990, 2014 |
Uruguay | 2 | 2 | 0 | 1930, 1950 | – |
Pháp | 3 | 2 | 1 | 1998, 2018 | 2006 |
Anh | 1 | 1 | 0 | 1966 | – |
Tây Ban Nha | 1 | 1 | 0 | 2010 | – |
Hà Lan | 3 | 0 | 3 | – | 1974, 1978, 2010 |
Tiệp Khắc | 2 | 0 | 2 | – | 1934, 1962 |
Hungary | 2 | 0 | 2 | – | 1938, 1954 |
Thụy Điển | 1 | 0 | 1 | – | 1958 |
Croatia | 1 | 0 | 1 | – | 2018 |
Liên đoàn | Số lần xuất hiện | Số lần vô địch | Số lần á quân |
---|---|---|---|
UEFA | 28 | 12 | 16 |
CONMEBOL | 14 | 9 | 5 |