Bài học lịch sử từ nguồn gốc của lễ Tịch điền

26-01-2023 09:50:53 PM

籍田 - Tịch điền là một lễ hội nông nghiệp có từ rất lâu đời. “田 - điền” là “ruộng”, còn “籍- tịch” theo danh từ có ý nghĩa thuộc về quốc gia như “quốc tịch”, về động từ là “giẫm, xéo”. Vậy nên “tịch điền” có thể hiểu như: ruộng công, ruộng vua giẫm. Từ điển Hán - Nôm cũng định nghĩa: “Tịch điền là ruộng do vua thân chinh xéo xuống cày”. Tịch điền là một cát lễ trong nông nghiệp, được tổ chức vào tháng Giêng, trong đó thiên tử dẫn chư hầu đích thân đi cày ruộng.

Kinh Thi có câu: “Mùa xuân tịch điền cầu nguyện (Thần) Xã Tắc”. Tịch điền vốn là lễ thờ cúng Thần Xã Tắc, là lễ lớn Thái Lao - dùng lợn bò dê làm lễ, sau đó vua mới dẫn bá quan ra ruộng cày. Vua cày 3 hàng đi 3 hàng về, tam công 5 hàng, thiếu sư thiếu phó thiếu bảo 7 hàng, đại phu 12 hàng, sĩ thứ dân cày nốt hết toàn bộ ruộng "tịch điền".

Ở Trung Hoa xưa - nơi phát tích của lễ Tịch điền, lễ hội này được tổ chức nhiều vào thời Chu, Hán. Các vị quân chủ đầu thời nhà Hán như Hán Văn Đế, Hán Cảnh Đế đã khiến phong tục này trở thành một tiền lệ tốt đẹp cho các thế hệ về sau. Tịch điền là thể hiện về mặt hình thức rằng các triều đại xưa rất coi trọng nông nghiệp. Nhưng tinh thần trọng nông không phải chỉ thể hiện ở hình thức tịch điền đầu xuân, mà còn qua các hành động khuyến nông cụ thể của nhà nước, những hành động này lại xuất phát từ tâm thái trọng đức, trọng điều giản dị thực chất, ghét sự xa hoa phù phiếm của đấng quân chủ. Đây là bài học lịch sử mà hậu thế có được từ thời đại thịnh vượng nhất của Hán triều: “Văn Cảnh chi trị”. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua bộ chính sử nổi tiếng: “Tư Trị Thông Giám.”

Lấy trọng nông làm quốc sách

Hán Cao Tổ Lưu Bang là vị vua sáng nghiệp của nhà Hán. Nhưng đặt nền móng để đưa quốc gia đến thịnh vượng lại là công lớn của người kế vị là Hán Văn Đế Lưu Hằng và con trai ông là Hán Cảnh Đế Lưu Khải.

Hán Văn Đế chính là người đã khôi phục lại chế độ Tịch điền đã bị gián đoạn từ thời Xuân Thu. Trước vụ xuân, ông đích thân tham gia việc đồng áng để làm gương cho thiên hạ. Tự tay ông cùng các chư hầu cầm cuốc ra đồng làm "Tịch lễ". Nhưng sự quan tâm đến nông nghiệp của hai vị vua này không chỉ dừng lại ở lễ Tịch điền.

Tháng 9 năm Tiền Nguyên thứ hai (năm 178 TCN), Hán Văn Đế hạ chiếu rằng:

“Nghề nông, là gốc lớn của thiên hạ, là chỗ mà dân chúng cậy dựa để sinh sống vậy; mà trong dân vẫn có người không chuyên tâm với nghề gốc, lại đuổi theo nghề ngọn, đấy hẳn vì sinh kế không được thoải mái. Trẫm với việc đó rất lo lắng, thế nên nay tự thân thống suất quần thần làm việc nhà nông để khuyến khích, trọng thị nghề nông; năm nay chỉ thu thuế của dân thiên hạ một nửa.”

Mùa xuân, tháng hai năm Tiền Nguyên thứ 13 (năm Giáp Tuất - 167 TCN), Hán Văn Đế lại hạ chiếu rằng:

“Trẫm tự thân thống suất người thiên hạ cày ruộng để cấp lương cho việc tế tự tông miếu, Hoàng hậu đích thân trồng dâu để cấp trang phục tế tự; hãy chế định lễ nghi cho việc này!”

Trẫm tự thân thống suất người thiên hạ cày ruộng để cấp lương cho việc tế tự tông miếu, Hoàng hậu đích thân trồng dâu để cấp trang phục tế tự. (Ảnh: Miền công cộng)

Tháng sáu năm đó, lại hạ chiếu rằng:

“Nghề nông, là nghiệp gốc của thiên hạ, không gì trọng yếu bằng. Nay dân dốc sức siêng năng theo việc nhà nông mà vẫn phải chịu tô thuế, đấy là điều khiến cho gốc ngọn không lấy gì để phân biệt vậy, cái đạo lý đối với việc khuyến nông chưa hoàn chỉnh vậy. Nay bỏ việc nộp thuế ruộng!”

Như vậy, để khuyến nông, Hán Văn Đế cùng Hoàng hậu tự mình làm gương: người cày ruộng, kẻ trồng dâu, không tị hiềm tấm thân tôn quý. Nhưng không chỉ có thế, ông giảm thuế, rồi bỏ thuế ruộng cho dân, là khuyến nông một cách thiết thực.

Đến đời Hán Cảnh Đế, vẫn kế thừa những chính sách tốt của quốc gia từ thời Hán Văn Đế, trong đó có chính sách về nông nghiệp. Mùa hạ năm Hậu Nguyên thứ 2 (Năm Kỷ Hợi - 142 TCN), Hán Cảnh Đế hạ chiếu rằng:

“Điêu khắc, chạm trổ khí vật, là hại đến việc nhà nông vậy; may đồ gấm lụa rực rỡ, là hại đến việc nữ công vậy. Nông nghiệp bị tổn hại thì thành cái gốc của việc đói, chức nghiệp bị tổn hại thì thành căn nguyên của việc rét. Hai thứ đói rét cùng ập đến mà người ta không làm việc trái phép là điều ít có rồi. Trẫm đích thân cày ruộng, Hoàng hậu tự trồng dâu, lấy thu hoạch đó để cấp đồ cúng và may y phục tế tông miếu, làm gương cho thiên hạ; trẫm không nhận đồ tiến cống, giảm chức Thái quan, bớt thuế khóa dao dịch, muốn cho thiên hạ được chuyên tâm với việc nông tang, cốt có của cải tích trữ, để phòng bị thiên tai. Khiến cho, mạnh không hiếp yếu, đông không lấn ít; người già được hưởng hết tuổi trời, con côi nhỏ tuổi được nuôi dưỡng trưởng thành…”

Mùa xuân, tháng giêng năm Hậu Nguyên thứ 3 (năm Canh Tý - 141 TCN) lại hạ chiếu rằng:

“Nghề nông, là nghiệp gốc của thiên hạ vậy. Các thứ vàng bạc, trân châu, mỹ ngọc, đói chẳng thể ăn, rét chẳng thể mặc, dùng những thứ đó làm của cải, là chẳng hiểu rõ gốc ngọn của sự việc vậy. Mùa màng gần đây không được tốt, có lẽ vì người theo việc ngọn đông, người làm nghề nông ít. Nay lệnh cho quan viên các quận quốc phải ra sức khuyến khích việc nông tang, gia tăng cấy trồng, như thế mới thu được nhiều cơm áo. Quan lại nếu kẻ nào điều phát dân chúng, thuê họ khai thác lấy vàng bạc, trân châu, mỹ ngọc, sẽ bị xét theo tội danh trộm cắp, chiếu tang vật xử trí. Quan viên Nhị thiên thạch nếu bỏ qua chuyện ấy sẽ xử cùng tội”.

Cả hai vị Hoàng đế này đều coi nghề nông là nghiệp gốc của thiên hạ, thương nghiệp, thủ công nghiệp là việc ngọn, không sinh ra của cải thực chất. Những ngành thủ công điêu khắc, chạm trổ ra những vật cầu kỳ đẹp đẽ cùng châu báu trang sức hoa lệ không thể dùng để dưỡng sức dân, mà chỉ để dung dưỡng cho đời sống xa hoa của vua chúa quý tộc và kẻ giàu có. Nhưng nếu quân chủ chẳng tự mình làm gương, vẫn ưa thích xa xỉ thì những nghề đó vẫn có chỗ dùng, còn nghề nông bị lấn át và bị xem nhẹ. Bởi vậy, hai vị này tự mình làm tấm gương đạo đức giản dị cho dân chúng.

Cả hai vị Hoàng đế này đều coi nghề nông là nghiệp gốc của thiên hạ, thương nghiệp, thủ công nghiệp là việc ngọn, không sinh ra của cải thực chất. (Tranh: theepochtime)

Trọng đức mới là gốc rễ của thịnh vượng

Hán Văn Đế là vị vua nổi tiếng cần kiệm, giản dị trong lịch sử. “Đế tức vị hai mươi ba năm, cung thất, vườn thú, đồ ngự phục, không tăng thêm thứ gì; có những điều lệ bất tiện thường phế bỏ để lợi cho dân. Đế từng có lần muốn làm Lộ đài (tức đài hứng sương), triệu thợ đến tính toán, thấy hao phí mất trăm cân vàng. Chúa thượng nói:

- Trăm cân vàng, bằng sản nghiệp của mười hộ gia đình bậc trung. Ta dùng cung thất của tiên đế, thường lo sợ hổ thẹn, xây đài để làm gì?

Đế thường mặc áo thô đen dày; Thận phu nhân mà Đế sủng ái, áo không được dài quét đất; màn trướng không được thêu hoa văn; để tỏ rõ sự chất phác, làm gương cho thiên hạ. Sửa dựng Bá lăng, các vật trang trí đều dùng đồ sành, không dùng vàng, bạc, đồng, thiếc tô điểm; mộ dựa thế núi, không đắp đất cao… Quần thần là bọn Viên Áng can gián lời lẽ tuy kịch liệt, Đế thường khoan dung thu dụng ý kiến. Bọn Trương Vũ nhận hối lộ tiền vàng, khi phát giác, Đế lại ban thưởng thêm cho để chúng thẹn; chuyên tâm dùng đức để cảm hóa dân. Vì thế hải nội yên tĩnh, trăm họ người người no đủ, hậu thế ít người theo kịp được.”

Người xưa cho rằng giản dị, cần kiệm là khiêm tốn; xa xỉ, hoang phí là kiêu mạn phóng túng. Hán Văn Đế khi nước nhà gặp tai vạ thì tự nhận lỗi mình, khi cầu phúc thì chia sẻ cho trăm họ. Từ thời Tần đã có chức quan Bí chúc chuyên việc cúng tế của quốc gia, nếu có điềm báo tai vạ, thường cầu cúng để chuyển lỗi xuống cho người dưới. Mùa hạ năm Giáp Tuất 167 TCN, Hán Văn Đế xuống chiếu rằng:

“Trẫm thường nghe nói đạo Trời, là họa từ oán nổi lên, mà phúc do đức hưng thịnh, cái lỗi của trăm quan, đều do trẫm gánh chịu. Nay quan Bí chúc dời chuyển lỗi của trẫm xuống cho người dưới, đấy là nêu rõ cái bất đức của trẫm, trẫm rất không tán thành. Nay trừ bỏ chức quan này.”

Đến mùa xuân năm Ất Hợi 166 TCN, hạ chiếu sai mở rộng các đàn tràng, tăng số lụa tế, lại viết rằng:

“Trẫm nghe nói quan tế tự trong lúc cầu cúng, đều quy cái phúc về cho thân trẫm mà không vì trăm họ, trẫm rất hổ thẹn. Ôi, trẫm vốn bất đức, mà riêng một mình hưởng cái phúc tốt đẹp như thế, trăm họ không dự hưởng, đấy là càng làm nặng thêm cái bất đức của trẫm vậy. Nay lệnh cho quan cúng tế lúc cầu đảo hãy dốc lòng thành kính, không được cầu phúc cho mình trẫm!”

Một bức Ukiyo-e mô tả Hán Văn Đế nếm thuốc cho mẹ, vẽ bởi Utagawa Kuniyoshi. (Ảnh: Miền công cộng)

Hán Cảnh Đế lại làm giảm sự hà khắc của luật pháp có từ thời nhà Tần đối với dân chúng, đồng thời lại nghiêm xét những quan chức bất hảo, thể hiện trí tuệ của bậc minh quân. Tháng 9, năm Trung Nguyên thứ năm (Bính Thân - 145 TCN), Đế hạ chiếu rằng:

“Các án ngục đáng ngờ, nếu căn cứ điều văn theo pháp luật có thể định thành trọng tội nhưng khiến nhân tâm bất phục, phải lập tức bình xét lại.”

Mùa xuân năm Hậu Nguyên nguyên niên (Mậu Tuất - 143 TCN), Đế hạ chiếu rằng:

“Xét án ngục, là việc rất quan trọng vậy. Thế gian kẻ trí người ngu không giống nhau, nên quan lại trên dưới có chia biệt. Án ngục nghi ngờ thì giao lên Hữu ti; Hữu ti không quyết được, thì gửi lên Đình úy; án ngục trình lên trên xét quyết mà phát hiện việc quyết án không thỏa đáng, quan viên trình nghi án lên trên không bị trách lỗi. Đấy là muốn khiến cho người thẩm xét án kiện trước hết phải khoan hậu”.

Đến mùa hạ, tháng tư năm Hậu Nguyên thứ hai (Kỷ Hợi - 142 TCN), Đế lại hạ chiếu tra xét lý do mùa màng không tốt, lương ăn của dân thiếu thốn, e rằng có quan lại gian trá, ngang nhiên nhận hối lộ, bóc lột bách tính, xâm hại muôn dân, cần truy cứu để định tội danh, lại bố cáo cho toàn dân được biết.

“Văn Cảnh chi trị” - thời đại thịnh trị bắt đầu từ chính sách trọng nông và không chỉ có thế

Hán triều tiếp quản quốc gia đổ nát, nghèo đói sau thời đại nhà Tần và những cuộc chiến liên miên khiến quốc lực trống rỗng, nhân dân nghèo khó. Khi Hán Cao Tổ mới lên ngôi, đến ngựa kéo xe cho thiên tử chẳng thể đủ bốn con có cùng màu lông, còn văn võ bá quan thì có người phải cưỡi xe bò, dân chúng nghèo xơ xác. Đến thời “Văn Cảnh chi trị” của Hán Văn Đế, Hán Cảnh Đế, nhà nước dựa trên chính sách trọng nông, nhưng gốc rễ là đấng quân chủ ước thúc mình theo đạo đức, lấy mình làm tấm gương giản dị, kiệm ước, dưỡng sức dân. Đời Hán Văn Đế, ở trên thì chúa thượng tự giữ mình khiêm tốn, chịu lắng nghe, dưới thì văn võ ưa chất phác, ít văn vẻ. Quần thần hay lấy tấm gương sụp đổ của nhà Tần làm điều răn, lúc nghị luận thì khoan hậu, nên phong tục thuần hậu, luật pháp cũng bớt hà khắc, hình phạt giảm thiểu, cả nước trong một năm chỉ có bốn trăm án ngục, hình pháp không có chỗ dùng.


Hán Văn Đế chăm chú nghe Viêng Áng tâu việc, tranh họa thời nhà Tống. (Ảnh: Miền công cộng)

Vào thời “Văn, Cảnh chi trị”: “Kho lẫm tại các đô ấp đều đầy tràn, mà phủ khố dư của cải; tiền ở kinh sư chồng chất hàng vạn vạn, dây xâu tiền mục nát chẳng thể đếm được số mục; thóc ở kho Thái thương lớp lớp chồng đè lên nhau, tràn cả ra ngoài, đến nỗi mục nát chẳng thể ăn được. Khắp các đường lớn ngõ nhỏ mà dân chúng cư trú đều có ngựa, còn ngoài đồng ruộng, ngựa kết thành bầy, người cưỡi ngựa cái bị đuổi không được cùng tụ hội. Kẻ coi giữ cổng làng ngõ xóm bữa ăn đều có gạo trắng thịt ngon; Kẻ làm Lại làm đến lúc con và cháu lớn lên; lấy chức quan đang giữ làm họ. Vì thế người người tự yêu quý bản thân mình, sợ vi phạm pháp luật; xem việc nghĩa làm đầu, tránh bị thẹn nhục…”

“Tịch điền” là nghi lễ, trọng nông là chính sách, trọng đức là kế sách muôn đời

Bài viết này mở đầu bằng nghi lễ “Tịch điền”. “Tịch điền” là một hình thức để nhà nước thể hiện chính sách trọng nông, nhưng trọng nông không chỉ dừng ở nghi lễ “Tịch điền” mà còn ở những chính sách thiết thực kèm theo hỗ trợ cho nó. Tuy vậy, trọng nông là ngọn, trọng đức mới là gốc. Đấng quân chủ trọng đức, hành vi cảm hóa đến muôn dân, “như sao Bắc đẩu, ở vị trí của nó mà muôn sao chầu về” (Luận ngữ - Khổng Tử). Thế thì lòng dân yên ổn ưa đạo đức ghét gian trá, phong tục vì thế thuần hậu, xã hội thịnh vượng, ít khi phải viện đến luật pháp rắc rối phiền hà. Sử quan Ban Cố đời Hán viết:

“Khổng tử nói: ‘Dân chúng hiện nay, cũng như dân chúng của thời Tam đại vậy, biết theo con đường ngay thẳng mà đi’. Thực xác đáng thay! Cái tệ hại của chính trị thời Chu mạt và thời nhà Tần, là ở chỗ phép tắc ràng buộc quá nhiều, chính lệnh nghiêm khốc, mà chẳng ngăn cấm nổi kẻ gian. Nhà Hán hưng khởi, trừ bỏ hết pháp lệnh phiền hà, cho dân chúng nghỉ ngơi; cho đến đời Hiếu Văn, lại thêm cẩn thận kiệm ước; Hiếu Cảnh noi theo đại nghiệp không sửa đổi gì, trong vòng năm sáu mươi năm, đạt đến mức đổi dời phong tục, lê dân thuần hậu. Nói đến thời đại trị của thiên hạ, nhà Chu có hai vua Thành, Khang, nhà Hán có hai vua Văn, Cảnh, cao đẹp lắm thay!”

Nguyên Phong-ntdvn.net

Tin khác